TIN TỨC


CÁCH ĐỌC BẢNG THÀNH PHẦN TRONG MỸ PHẨM


Lượt xem: 5796

Bài viết này sẽ chỉ ra cách dọc – hiểu bảng thành phần mỹ phẩm đơn giản nhất để mọi người nắm được kiến thức cơ bản khi đi tìm mua mỹ phẩm cho mình.

I/ ĐỪNG ĐỂ TÊN GỌI “HOA MỸ” CỦA CÁC THÀNH PHẦN ĐÁNH LỪA

H tin đã có không ít bạn (trong đó có H của trước đây) hốt hoảng khi cầm những chai lọ có ingredients dài chiếm cả nửa thân chai,nhìn thôi đã thấy chóng mặt. Đến cả những người học sinh hóa như H nhìn mấy chất như: acrylates/C10-30 alkyl acrylate crosspolymer hoặc polyquaternium-10 cũng khiến H thấy lúng túng.

Sau khi được học chuyên sâu về chuyên ngành và hiểu rõ cách đọc bảng thành phần, việc nhìn bảng thành phần và chọn mua mỹ phẩm với H dễ dàng hơn rất nhiều. Tất cả bí quyết đó gói gọn trong việc hiểu về tên khoa học chuẩn của các thành phần.

Ví dụ:

Với chiết xuất Green Tea (trà xanh) bạn sẽ tìm thấy chiết xuất này trên vỏ chai sản phẩm với tên: Camellia Sinensis Extract
Với chiết xuất lavender (hoa oải hương) nhưng được chia thành lavender của Pháp và lavender của UK. Lavender của UK mùi sẽ nhẹ nhàng chứ không nồng như lavender Pháp, được xuất hiện trong bảng thành phần với tên gọi: Lavandula Angustifolia
Vỏ chai có ghi thành phần chứa vitamin C, nhưng trong bảng thành phần bạn không hề thấy có ghi chữ “vitamin C” nào hết. Đúng đấy, vitamin C được chia làm nhiều dạng, mỗi dạng có tên gọi khác nhau, có công dụng và lợi ích khác nhau. Đặc trưng nhất là L-Ascorbic Acid (dạng tinh khiết của vitamin C và thấy ở nhiều sản phẩm nhất). Ngoài ra còn có: Magnesium Ascorbyl Phosphate, Sodium Ascorbyl Phosphate, Ascorbyl Palmitate, Tetrahexyldecyl Ascorbate, Ascorbyl Glucoside… tất cả những tên gọi này đều là phái sinh của Vitamin C nếu như bạn nhìn thấy chúng trong bảng thành phần.
Vậy, nếu không hiểu ý nghĩa của các tên gọi thành phần kia là gì, làm thế nào để bạn biết rốt cục chúng là gì? Rất đơn giản, bạn có thể dùng từ điển thành phần của Paula’s Choice hay Cosdna đôi khi giải thích không đầy đủ và nghiên cứu chưa đủ chuẩn xác, nhưng những loại từ điểm thành phần online này về cơ bản sẽ cho bạn biết chúng ta đang dùng sản phẩm có thành phần này chiết xuất từ đâu.

II/ THỨ TỰ THÀNH PHẦN TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI NỒNG ĐỘ

Bạn có phát hiện ra bảng thành phần mỹ phẩm khá giống với bảng thành phần các thực phẩm đóng gói trong siêu thị? Thực tế, mỹ phẩm được dán nhãn rất giống với các thực phẩm, trong đó các thành phần được liệt kê

1. CHÚ Ý thành phần top 3 đến 5 trong bảng thành phần

Theo quy định ghi ingredients, những thành phần chiếm nồng độ cao nhất trong sản phẩm sẽ được ưu tiên ghi trước và theo thứ tự giảm dần. Tuy nhiên, những chất có hàm lượng dưới 1% thì có thể ghi trước hoặc sau. Điều này có nghĩa là chất có 0.01% cũng có thể được ghi trước chất có 0.9% trong bảng thành phần sản phẩm.

Như các sản phẩm dưỡng da ở Pháp, thường xuyên thấy ghi parfum gần cuối bảng thành phần chứ không phải ở cuối cùng, có sản phẩm thì lại ghi parfum ở cuối cùng. Tuy nhiên nó đứng gần cuối hay ở cuối đều không có nghĩa là sẽ nồng độ sẽ chiếm nhiều, chúng ta chỉ biết đó là thành phần chiếm dưới 1% trong sản phẩm.

Đối với các sản phẩm dầu gội, sữa rửa mặt, bạn nên chú ý top 3 đến 5 thành phần đầu tiên xuất hiện trong list, đối với các sản phẩm như cream hay serum, chúng ta sẽ chú ý top 8 đến 10 thành phần đứng đầu tiên của sản phẩm.

2. Thành phần Active vs. Inactive

Các hãng mỹ phẩm, có hãng họ sẽ công bó active ingredients và inactive ingredients riêng biệt, nhưng có hãng mỹ phẩm sẽ không công bố riêng biệt như vậy, bạn phải tự mình hiểu những thành phần được liệt kê trong top đầu sẽ mang tính chất “active” (hoạt động) khi sử dụng trên da.

Ngoài ra, các sản phẩm “dược mỹ phẩm” sẽ công bố nồng độ % tương ứng được cho phép về mặt “dược lý” của thành phần đó, như BHA chẳng hạn, dù chỉ chứa 2% chẳng hạn cũng sẽ được đưa lên nhóm top đầu vì mang tính “active” trong sản phẩm.

Trong các sản phẩm chống nắng, như ở kem chống nắng vật lý Titanium Dioxide và Zinc Oxide sẽ được ghi rõ nồng độ phần trăm (%), nếu không công bố nồng độ hai thành phần này cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy trong top đầu của sản phẩm chống nắng.

Các chất active luôn phải nằm trong top đầu bởi FDA quy định các chất này cần phải có sự ghi nhận về độ an toàn cho người sử dụng, còn các chất inactive thì khác, FDA không đòi hỏi các thương hiệu phải chứng minh về sự an toàn của chúng khi sử dụng. Nếu các chất inactive có tỷ lệ hơn 1% sẽ được sắp xếp giảm dần theo nồng độ, còn với tỷ lệ dưới 1% thì có thể tùy ý sắp xếp trước hoặc sau theo bất kỳ thứ tự nào.

Các thành phần inactive trong mỹ phẩm không phải không tốt, như các chất anti-inflammation (kháng viêm) hay antioxidants (các chất chống oxy hóa) không được liệt kê ở bảng active ingredients nhưng đã được khoa học chứng minh phần lớn vẫn hỗ trợ và điều trị cho da rất nhiều khi kết hợp với các thành phần khác.

3. Các thành phần đã được cấp bằng sáng chế

Như thương hiệu CaUdalie, họ được cấp bằng sáng chế về các sản phẩm dưỡng da chiết xuất từ trái nho, thân cây nho, nhựa cây nho… Trong sản phẩm Vinoperfect Serum nổi tiếng của họ, chúng ta chỉ biết được viniferin là active ingredient để làm sáng da và đẩy lùi hắc tố melanin nhưng chúng ta hoàn toàn không biết hoạt chất này được hợp thành bởi những chất gì.

Khi thương hiệu được cấp bằng sáng chế riêng, hoạt chất hay chất đó thuộc quyền sở hữu của riêng họ, nên việc tiết lộ sẽ mất đi tính độc quyền nên chúng ta không bao giờ biết được các thành phần này, chỉ có thể thấy được tên gọi như nhà sản xuất đã công bố.

III/ ĐI VÀO GIẢI MÃ TÊN CÁC THÀNH PHẦN

Như H đã nói ở mục (I) những cái tên thành phần dài ngoằng có thể khiến bạn chững lại, nhưng có một số mẹo giúp bạn dễ dàng đọc chúng hơn. Như một số thành phần có âm tiết có thể thay đổi tùy thuộc vào công thức sản phẩm, nhưng phần đuôi vẫn giữ nguyên. Ví dụ: Silicones có thể có nhiều dạng, nhưng hầu hết chứa các đuôi -onone hoặc -conol. Vì vậy, nếu đang mỏi mắt tìm kiếm silicones trong bảng thành phần hãy chú ý các tên thành phần có đuôi như trên.

Các thành phần có nguồn gốc thực vật sẽ được liệt kê theo tên khoa học của chúng, như lô hội (Aloe Barbadensis), hoa cúc La Mã (Chamomila Recutita Extract, Nobloe Chamomile Extract)… Các chiết xuất thực vật này chúng ta có thể dễ dàng lần theo chúng với đuôi: oil, extract, hoặc butter.

Nếu bạn tìm kiếm parabens trong sản phẩm để né tránh, thực sự không cần thiết, vì parabens nếu được đưa vào sản phẩm dù 0.01% cũng đủ kéo dài thời hạn sản phẩm tới hàng năm trời và nồng độ này chưa đủ để gây ung thư cho bạn đâu. Các chất bảo quản, hương liệu (parfum), tạo màu (colorants)… thường ở gần cuối bảng thành phần. Đôi khi chất bảo quản không chỉ mang đuôi là parabens, có thể là: BHT hay MYRTRIMONIUM BROMIDE.

IV/ VÍ DỤ VỀ CÁCH PHÂN TÍCH BẢNG THÀNH PHẦN

Khi bạn nhìn thấy nước (water) ở đầu bảng thành phần, điều đó nói cho bạn biết nước (water) chiếm tới 80-90% tỷ lệ hay trọng lượng sản phẩm.Đối với những sản phẩm chiết xuất dạng lỏng, dạng gel, nước là thành phần tất yếu, ngay cả khi không phải lúc nào bạn cũng thấy nó đứng đầu bảng thành phần.

Nếu như là một chiết xuất thiên nhiên như Aloe Barbadensis Extract được liệt kê đầu tiên, nước vẫn là thành phần chính chiếm tỷ lệ cao nhất trong sản phẩm. Như Gowonº Tigre Soothing Gel (Gel rau má) mà H vừa review thời gian gần đây.

Bảng thành phần sản phẩm gồm có: Centella Asiatica Extract, Water, Glycerin, Sodium Hyaluronate, rh-Oligopeptide-1, Madecassoside, Zanthoxylum Piperitum Fruit Extract, Pulsatilla Koreana Extract, Usnea Barbata (Lichen) Extract, Carbomer, Arginine

Với một bảng thành phần như trên chúng ta sẽ phân tích được bảng thành phần như sau:

Sản phẩm được nói rõ chiếm 80% là tinh chất rau má, và chiết xuất rau má cũng đứng đầu tiên rồi mới tới nước. Nhưng bạn phải hiểu, tinh chất rau má với water-based nên trọng lượng sản phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất thực ra vẫn là nước
20% là trọng lượng các thành phần còn lại, nhìn vào bảng thành phần sản phẩm tỷ lệ chiết xuất có nguồn gốc thiên nhiên
Hiệu quả sản phẩm sẽ có nhưng thường sẽ diễn ra lâu và đòi hỏi sự kiên trì, có làn da yêu cầu các hoạt chất chuyên sâu để điều trị có thể không thấy được tác dụng nên sẽ nản và bỏ cuộc khi sử dụng sản phẩm
Toàn bộ bảng thành phần sản phẩm, ngoài các chiết xuất thiên nhiên, bạn có thể dễ dàng thấy, đập vào mắt chúng ta là Sodium Hyaluronate – đây là humectant (chất hút ẩm), kể cả chiết xuất Centella ở đây cũng mang tính chất hút ẩm và cấp ẩm
Sản phẩm không có occlusives (chất giữ ẩm và khóa ẩm) để ngăn việc nước bốc hơi khỏi da, occlusives được biết đến với các tên hay thành phần như: mineral oil (dầu khoáng), argan oil, paraffin…
Sản phẩm cũng không có emollients (chất làm mềm, min bề mặt) giữ nước phần nhỏ cho da, emollients được biết đến với các tên hay thành phần như: grapeseed oil (dầu hạt nho), ceramides…
Với bảng thành phần như trên sau khi phân tích, chúng ta có thể đưa ra kết luận: Sản phẩm giúp cấp nước, cấp ẩm và giữ ẩm phần nào, nhưng hoàn toàn không đủ khả năng khóa ẩm, da vẫn sẽ bị mất nước, sodium hyaluronate (hay muối của hyaluronic acid) khi gặp môi trường độ ẩm thấp dưới 70% còn xảy ra tình trạng hút ẩm ngược, nghĩa là thay vì hút nước từ môi trường bên ngoài cho da, chúng ta lấy mất nước từ trong da đẩy ra môi trường bên ngoài. Bởi vậy mà H khi review có khuyên mọi người nên mix với 1-2 giọt oils để khóa ẩm triệt để nhất.

V/ KẾT LUẬN

Chìa khóa để biết cách đọc/phân tích bảng thành phần của các sản phẩm làm đẹp là:

Hiểu được bản thân cần gì, muốn gì? (Trị mụn/Làm trắng/Chống lão hóa…)
Đảm bảo các thành phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong sản phẩm sẽ “hợp tác” làm việc cùng nhau chứ khôn phải “chiến tranh” với nhau
Hiệu quả lâm sàng của sản phẩm dựa trên đánh giá và phân tích hoạt chất trong bảng thành phần đạt rút được kết luận trên 70%
Nắm rõ được những mấu chốt trên, H tin bạn sẽ trở thành chuyên gia cho chính mình trong việc lựa chọn và tìm mua các sản phẩm làm đẹp đấy!

Nếu yêu thích bài viết đừng quên LIKE và SHARE nhé!

Nguồn : ST

Tin tức khác